Ca Sĩ: Vân Khánh
Câu đò đưa thầm gọi
Tôi ghé về tuổi thơ
Người xưa đâu xa vắng
Ai đưa tôi qua đò
Ngô mướt dài bãi quê
Gió chiều chiều dịu mát
Đàn trâu chậm ngoài đê
Vẫn đi về lối cũ
Xuống đò một mình tôi
Với dòng sông tuổi thơ
Và một giọng đò đưa
Vẫn neo đậu bến xưa
Lang thang đi bốn phương trời
Nay về sông quê tắm mát
Sông Lam biết khi mô cho cạn
Người ơi, đục trong nhục vinh hỡi người
Lang thang đi bốn phương trời
Nay về tắm mát sông quê
Sông Lam biết khi mô cho cạn
Đục trong nhục vinh hỡi người
Câu đò đưa thầm gọi
Tôi ghé về tuổi thơ
Vầng trăng non ngơ ngác
Theo tôi đi chân trần
Cây đến thì trổ hoa
Chuyến đò đầy rời bến
Em hát rằng đến duyên
Em lấy chồng năm ấy
Hát lại giọng đò đưa
Như mẹ ru hồn tôi
Điệu buồn và điệu thương
Sao cháy lòng đến thế
Sông Lam biết khi mô cho cạn
Như tình quê hương trong tôi
Sông Lam biết khi mô cho cạn
Người ơi! đục trong câu hát chạnh lòng
Người về neo đậu bến mô
Hồn tôi bên quê neo đậu người ơi…..
Trích Dân ca Nghệ và chất Nghệ
"Thông tin về việc dân ca Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật đại diện của nhân loại khiến nhiều người vui mừng. Điều này khiến nhiều người bắt đầu quan tâm một cách sâu sắc tới dân ca Nghệ Tĩnh. Điều này là công bằng vì phải hiểu tường tận mới có cách ứng xử đúng với dân ca và người hát dân ca.".....Nói “xứ Nghệ” hay “Nghệ Tĩnh” là nói tới vùng đất kéo dài từ khe Nước Lạnh (giáp Thanh Hóa) tới đèo Ngang (giáp Quảng Bình) và những con người sinh ra và lớn lên ở vùng đất đó. Vùng đất này có rừng rậm, núi cao, sông sâu, những bãi biển đẹp, những giải đồng bằng phì nhiêu... Nhưng nơi đây cũng thường xẩy ra hạn hán, bão lụt, những trận gió Lào bỏng rát... Những con người sống ở đây gan lì, cần cù, nhẫn nại, năng động, thông minh, trung thực, thẳng thắn, bạo liệt, cực đoan... Nói tóm lại đây là nơi “địa linh, nhân kiệt” nhưng khí hậu khắc nghiệt và đỏng đảnh.
Vùng đất này là “chủ nhân” của các điệu ví, giặm được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt. Đại đa số người Nghệ Tĩnh đều biết hát ví, dặm vì loại hình dân ca này đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của họ. Hiện nay, đã có hàng trăm câu lạc bộ dân ca ví, dặm; có hơn 803 nghệ nhân ở hai tỉnh; các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ ở Nghệ An và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh quan tâm tới việc diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm. Không gian của dân ca ví dặm Nghệ - Tĩnh đang được rộng mở.
Những đặc điểm của dân ca xứ Nghệ, chất Nghệ
Ví và giặm là hai thể hát dân ca được cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình sinh hoạt và lao động. Ví, giặm mang đậm bản sắc địa phương về làn điệu và ca từ. Theo các nhà ngiên cứu, ước tính hiện nay có khoảng 15 điệu ví và 8 điệu giặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như: Ví phường vải, ví đò đưa, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví ghẹo...; dặm ru, dặm kể, dặm giao duyên...
Ví, giặm có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được lưu truyền, kế thừa và được làm cho phong phú thêm. Nhiều bài ví, giặm được những ông đồ, anh khóa hay chữ tạo nên. Nội dung ví, giặm phản ánh xã hội, lịch sử; thể hiện những tâm tư, tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa. Bên cạnh đó, ví, giặm Nghệ Tĩnh còn giáo huấn, nâng lên tầm triết lý về lối sống, đạo đức, nghĩa tình...
Về tiết tấu: Ví nhẹ nhàng, mênh mang, sâu lắng, bâng khuâng, xao xuyến, thiết tha; còn giặm mạnh mẽ, dứt khóat, mạch lạc vì có phách mạnh, phách nhẹ, có nhịp nội, nhịp ngoại. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, ví, giặm Nghệ Tĩnh đã tồn tại và gắn bó với người dân xứ Nghệ như máu thịt, ăn sâu vào tính cách của họ. Đối với xứ Nghệ, ví, giặm đã làm cho cuộc đấu tranh sinh tồn và chống ngoại xâm vốn khốc liệt, đượm vẻ lãng mạng và giàu chất thi ca.Nhạc điệu và những ca từ đầu tiên của ví, giặm Nghệ Tĩnh hình thành từ lâu, cách đây khoảng 400 năm. Trải qua những thế hệ khác nhau, lại được phát triển về lượng và chất là nhờ trí tuệ uyên thâm của các nhà nho. Vì vậy ngày nay ví, giặm xứ Nghệ rất phong phú, đa dạng, nhiều cung bậc, khiến cho người nghe cảm nhận được sự đằm sâu của tình cảm và lý trí lắng đọng âm thanh và câu chữ.
Người dân xứ Nghệ dùng câu hát để thể hiện tâm tình, mượn câu hát để nói lên những tâm tư, tình cảm còn chất chứa trong lòng mà lời nói thông thường không làm được. Bây giờ tranh luận dân ca xứ Nghệ làm nên tính cách con người xứ Nghệ, hay chính tính cách của người xứ Nghệ tạo nên dân ca xư Nghệ cũng không khác gì tranh luận về quả trứng có trước hay con gà có trước. Chỉ biết rằng, tuy gian khổ nhưng con người xứ Nghệ luôn lạc quan, yêu đời, không ngừng mơ ước về những điều tốt đẹp. Người xứ Nghệ vừa có vẻ mộc mạc, quê mùa, chân chất; vừa sâu sắc, nồng nàn, tinh tế, thông minh, ham học hỏi, nhào luyện kiến thức đến độ uyên bác. Tuy nhiên, người xứ Nghệ cũng có những nhược điểm. Đó là tính bảo thủ, trì trệ, cực đoan, thái quá, cứng nhắc, địa phương chủ nghĩa… Nhiều người xứ Nghệ sẵn sàng bỏ qua những giá trị vật chất lớn, cụ thể để “nhấm nháp” những giá trị tinh thần trừu tượng. Khi những người ở vùng đất khác không lý giải được cách ứng xử của người xứ Nghệ, họ hạ một câu ngắn gọn: Nghệ “gàn” mà lại!
No comments:
Post a Comment