Wednesday, June 3, 2015

Quê Hương

Thơ: Đỗ Trung Quân
Nhạc: Giáp Văn Thạch
Ca Sĩ: Nhã Phương


Ngâm thơ:
Quê hương là gì hở mẹ 
Mà cô giáo dạy phải yêu 
Quê hương là gì hở mẹ 
Ai đi xa cũng nhớ nhiều


Quê hương là chùm khế ngọt 
Cho con trèo hái mỗi ngày 
Quê hương là đường đi học 
Con về rợp bướm vàng bay 
Quê hương là con diều biếc 
Tuổi thơ con thả trên đồng 
Quê hương là con đò nhỏ 
Êm đềm khua nước ven sông 


ĐK: 
Quê hương là cầu tre nhỏ 
Mẹ về nón lá nghiêng che 
Quê hương là đêm trăng tỏ 
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm 

Quê hương mỗi người chỉ một 
Như là chỉ một Mẹ thôi 
Quê hương nếu ai không nhớ 
Sẽ không lớn nổi thành người
 


Ngâm thơ:
Quê hương là vàng hoa bí 
Là hồng tím giậu mồng tơi 
Là đỏ đôi bờ dâm bụt 
Màu hoa sen trắng tinh khôi


Quê hương mỗi người chỉ một 
Như là chỉ một Mẹ thôi 
Quê hương nếu ai không nhớ 
Sẽ không lớn nổi thành người...!





.....Mỗi khi “Quê hương” vang lên dung dị và gần gũi, ý thức cội nguồn lại rưng rưng trong trái tim mỗi người, dù ít ai tường tận về cuộc đời ngắn ngủi của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch – tác giả đã viết lên những giai điệu mộc mạc và chân tình ấy! Công chúng chắc chắn sẽ ngậm ngùi nếu biết rằng, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch chưa bao giờ được chứng kiến bài hát “Quê hương” xuất hiện trên sân khấu hay trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ông đã qua đời tháng 10/1984 bởi một cơn sốt rét ác tính, ở tuổi 33.
Xã An Sơn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương vẫn giữ được vẻ yên bình của một vùng nông thôn nằm ven sông Sài Gòn. Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch sinh ra và lớn lên ở đó. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch gắn bó phong trào văn nghệ quần chúng. Cảm hứng sáng tác của Giáp Văn Thạch là những chuyến đi dài ngày cùng ăn cùng ở với những người dân làm kinh tế mới, những thanh niên xung phong ở các nông trường Bến Cát, Bình Long, Bù Đăng, Lộc Ninh, Tân Uyên...



Từ những lán trại đơn sơ, Giáp Văn Thạch đã viết những ca khúc đầu tay Những dòng nhựa trắng thân thương, Con thuyền ngược thác, Tiếng gọi rừng Đắc Ơ, Niềm vui cô gái ngành vật liệu chất đốt... và tự ôm đàn hát giữa những tấm lưng nhễ nhại mồ hôi trong cái nắng gay gắt miền Đông Nam Bộ.
Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch là một người rất yêu thơ. Trong di cảo của ông, có thể tìm thấy nhiều tình khúc phổ thơ của nhiều nhà thơ như Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Từ Nguyên Thạch… Hồi đó để tìm một tập thơ không dễ, nên nhạc sĩ Giáp Văn Thạch chủ yếu tìm đọc thơ trên các trang báo.
Trong một buổi cà phê văn nghệ tại Thủ Dầu Một cuối năm 1983, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch nhìn thấy một người bạn cầm tờ Khăn Quàng Đỏ liền hỏi: “Có thơ không?”. Người bạn trả lời rằng tờ báo này mua cho con gái, chỉ có thơ thiếu nhi thôi. Mặc kệ, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch vẫn mở báo ra đọc. Đó là số báo ra ngày 5/12/1983, có in bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân. Chăm chú đọc rồi hí hoáy chép lại, về nhà nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã viết thành ca khúc cùng tên.
Xin được nói rõ hơn một chút. Bài thơ Quê hương ban đầu có tên là “Bài học đầu cho con” gồm 7 khổ, được nhà thơ Đỗ Trung Quân sáng tác để tặng cho con gái Quỳnh Anh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Biên tập viên báo Khăn Quàng Đỏ lúc ấy là nhà báo Việt Nga – con gái của nhà thơ Lê Giang, đã bỏ bớt hai đoạn và đổi tên thành Quê hương. 
Tháng 10/1984, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch được ngành văn hóa tỉnh Sông Bé cử tham dự lớp tập huấn ngắn hạn về dân ca tại Phan Rang, rồi ông đột ngột ra đi trong một đêm trở lạnh ở miền gió Tháp Chàm.... Đọc thêm


No comments:

Post a Comment